Tư duy hệ thống là năng lực mà bất kì ai muốn giải quyết vấn đề đội nhóm, tổ chức cũng phải sở hữu. Đặc biệt là vấn đề về “con người”.
Tư duy hệ thống là gì?
Tư duy hệ thống là cách nhìn nhận và đánh giá các thành tố trong mối tương quan với nhau thay vì một cách riêng lẻ.
Một người có tư duy hệ thống luôn nhìn sự vật – hiện tượng trong mối tương quan với các yếu tố khác. Họ hiểu rõ rằng vấn đề không tự nhiên phát sinh và không thể duy trì nếu không có một hệ thống các yếu tố củng cố cho nó.
Đây là lối tư duy bắt buộc phải có để có thể vận hành đội nhóm ở bất kì cương vị nào: thành viên nhóm hay trưởng nhóm.
Bởi đội nhóm chính là một hệ thống. Và đội nhóm trong một tổ chức là hệ thống lồng trong hệ thống lớn.
Tư duy hệ thống như vậy giúp một người có cái nhìn vừa tổng quát vừa chi tiết trong tất cả các vấn đề, bao gồm cả vấn đề “con người” trong đội nhóm.
Vấn đề “con người” trong đội nhóm
Nếu là vấn đề liên quan đến hệ thống máy móc, công nghệ thì dễ dàng sửa chữa hơn rất nhiều so với hệ thống con người.
Bởi vì mỗi một cá nhân đã là một hệ thống – hệ thống của các điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, quan điểm, động lực, năng lực…
Chính vì thế, khi đối diện với vấn đề “con người” trong đội nhóm, thực chất, ta đang giải quyết vấn đề của các hệ thống.
Thử thách khi làm việc với con người đó là chúng ta không có 100% quyền năng thay đổi và kiểm soát. Điều đó đồng nghĩa với việc khi đội nhóm có vấn đề, tư duy thay đổi một cá nhân là kém hiệu quả nhất.
Bất kì lúc nào đội nhóm nảy sinh vấn đề, cần ngay lập tức nhìn dưới góc nhìn hệ thống. Đây chính là kỹ năng tiên quyết để có thể xác định được vấn đề trong đội nhóm/tổ chức.
Giải quyết vấn đề “con người” bằng góc nhìn hệ thống
Góc nhìn hệ thống chú trọng tính tương tác giữa các yếu tố. Việc này cho phép chúng ta ngay lập tức loại bỏ tâm thế đổ lỗi cho từng cá nhân.
Khi hiệu quả nhóm không đạt yêu cầu, chúng ta rất dễ quy trách nhiệm vì người này làm điểm này chưa tốt, người kia không tốt… Tư duy hệ thống chia đều trách nhiệm cho từng cá nhân. Đội nhóm có vấn đề chính là tương tác giữa các thành viên có vấn đề.
Khi đó, ta không chơi trò “ai đúng, ai sai” mà tìm hiểu xem các thành viên đã tương tác với nhau hiệu quả chưa.
Lắm khi, vấn đề chẳng ở ta, chẳng ở người mà ở chỗ cả hai không hiểu nhau đang làm gì, không thấy được lợi ích chung trong hành động của nhau, đâm ra chỉ trích, đổ lỗi, tranh đấu.
Khi kiểm tra hệ thống thấy đã ổn rồi, lúc này ta mới kiểm tra từng cá nhân.
Đội nhóm đã chia đều trách nhiệm cho nhau. Vậy trách nhiệm của bạn là gì để đội nhóm làm tốt hơn?
Bạn sẽ giao tiếp với đồng đội ra sao, sẽ thay đổi chính mình như thế nào…?
Cuối cùng, tất cả cam kết cùng nhau thực hiện và liên tục trao đổi, đánh giá trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu chung trong công việc.
Một trong những cách thức lý tưởng để vận dụng tư duy hệ thống đó là sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi 5W1H trong Action Learning với một tư duy phân tích nhạy bén để nhìn nhận tất cả các khía cạnh
Lời kết
Tư duy hệ thống là không thể thiếu khi làm việc trong một hệ thống. Lối tư duy hệ thống giúp giải quyết vấn đề một cách lớp lang, giúp sự thay đổi diễn ra toàn diện.
Giải quyết vấn đề con người trong đội nhóm dưới góc nhìn hệ thống yêu cầu mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm để tương tác với nhau hiệu quả hơn. Đồng thời, đi sâu vào từng thành viên để đảm bảo họ vận hành theo đúng lối tương tác mới đã cam kết với nhau.
Đây là một trong những yếu tố nền tảng cho một đội nhóm hiệu suất cao (high-performance team) và khả năng giải quyết các vấn đề mơ hồ – phức tạp.