- Cô ơi làm sao để em/con chọn ĐÚNG ngành? (Học sinh hỏi)
- Em ơi anh/chị muốn con chọn ĐÚNG nghề để mai mốt đỡ làm lại. (Cha mẹ băn khoăn)
- Cô Nga ơi tui nghĩ hoài làm sao để giúp học sinh chọn ĐÚNG ngành nghề phù hợp với các em (Giáo viên trăn trở)
Đó là những câu hỏi, băn khoăn, trăn trở mà mình rất thường gặp trong các buổi tư vấn, khai vấn nghề nghiệp hoặc trong các chương trình hội thảo/đào tạo hướng nghiệp. Dạo gần đây, khi mối quan tâm về hướng nghiệp ngày càng tăng cao thì xuất hiện càng nhiều các phương pháp giúp học sinh chọn ngành đúng. Nhiều và đa dạng lắm, từ sinh trắc học vân tay đến nhân số học hay các bài test tính cách. Khoan hẵng bàn về các phương pháp, mình xin phép đề cập đến phần tư duy trước đã.
Trong muôn vàn cách tiếp cận hướng nghiệp, mình không phê phán cách thức của bất cứ phương pháp nào cả. Mỗi cách tiếp cận đều giúp người trong cuộc một góc nhìn nào đó về bản thân. Mình chỉ xin góp một lăng kính nhỏ để khi tiếp cận phương pháp nào đi chăng nữa, các em học sinh, các bậc cha mẹ và giáo viên hiểu và giới hạn sự kỳ vọng của bản thân đúng mực, tránh dính mắc vào việc đi tìm cho được một phương pháp giúp mình chọn cho thiệt đúng.
Đúng, có nghĩa là không được phép sai!
Phải chọn đúng, có nghĩa là nếu sau này có lỡ thấy con đường mình đi nó sai sai ở đâu đó là bắt đầu dấy lên trong lòng nỗi sợ. Tiếp theo là trong não tự động chạy ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao sai? Sai ở đâu? Ai làm mình sai? Hoàn cảnh nào dẫn đến cái sai? Ấy là bằng một phản xạ hết sức bản năng, ta bắt đầu tìm cách đổ lỗi “tại – bị – vì – do – bởi…”
Tâm lý này nguy hại vô cùng vì tất cả mọi phương pháp đều chỉ là cái khung công cụ bên ngoài, có thể có tác dụng bổ trợ rất tốt cho người dùng, nhưng không thể mang tính quyết định cho tương lai.
Trong tâm thế chăm chăm phải tìm ra ngay con đường đúng, nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái không dám tin vào quyết định của mình. Hoặc các bạn chưa/không có cơ sở vững chắc. Hoặc các bạn mang trong mình nỗi sợ không tên về một tương lai rủi ro nào đó, mà nếu nó lỡ xảy ra thì sẽ đi kèm hai chữ “thất bại”, “thất nghiệp”. Do vậy, các bạn cố gắng đi tìm ai đó, phương pháp nào đó cho bạn lời khuyên (có vẻ đúng). Chỉ cần có lời khuyên để bạn dựa vào đó mà yên tâm hành động. Lỡ có gì sai thì cũng đỡ bị mắng. Việc trông chờ vào lời khuyên từ người khác vô hình chung tạo nên tâm thế thụ động, tự ti, triệt tiêu khả năng tư duy logic và phản biện, sợ trách nhiệm. Không dám tự ra quyết định và trông chờ vào lời khuyên của người khác là 2 xu hướng điển hình của sự phụ thuộc.
Chưa kể, một phương pháp độc lập (ví dụ 1 bài test đơn lẻ) chưa thể nào biểu hiện được hết cái tiềm năng bên trong cũng như chưa thể đánh giá đủ các điều kiện khách quan bên ngoài đang trực tiếp tác động đến các quyết định nghề nghiệp. Việc đưa ra quyết định chọn nghề khi chưa có đủ phân tích tổng hợp trong ngoài, chưa hiểu đủ về mình và bối cảnh của mình đang sống là tiền đề cho việc tạo ra một số lượng đáng kể người bước vào thị trường lao động nhiều năm mà vẫn cảm thấy mình lạc lối.
Thế giới biến động, cuộc đời thay đổi, con người linh hoạt. Trải nghiệm, đau thương rồi mới có trưởng thành. Thử – sai – sửa – điều chỉnh, tiếp tục thử – sai – sửa, rồi mới biết cách tiến dần tới sự hoàn thiện. Cưỡng cầu đi tìm cái bất biến, nhàn hạ cho bản thân nghĩa là đi ngược lại quy luật phát triển tất yếu của vũ trụ này, trước hết sẽ nhận về cho bản thân cái mệt mỏi, cái tâm không an bởi nỗi sợ hãi thấp thỏm bủa vây.
Nỗi sợ này khiến ta không dám ra quyết định, không dám đối diện với thực tế, không dám trải lòng thể nghiệm, không dám dấn thân. Và rồi tất cả cái “không dám” ấy dồn cục lại tạo thành rào cản khổng lồ ngăn mình đi đến cái hiểu sâu về năng lực, cá tính, sở thích, giá trị sống, giá trị nghề nghiệp và nguồn lực dồi dào đang ẩn sâu trong mình. Tìm không thấy mấy cái đó thì con đường đi đến cái đúng trong sự nghiệp càng vòng vo tam quốc, mịt mờ, hoang mang, mệt mỏi, thậm chí bế tắc cùng cực.
Vâng, tất cả các phương pháp đều là công cụ, chỉ có bản thân người đi học, đi làm mới là thực thể sống động, trường tồn. Tính linh hoạt, ứng biến vốn dĩ là thế mạnh của con người. Càng trải nghiệm qua từng bài học rất riêng, chúng ta càng dày dạn. Trong câu chuyện chọn nghề, làm nghề ở một thế giới đầy biến động, nhiều bất định và dễ tổn thương này, ta không thể nào chỉ dính mắc vào một loại công việc và nhất định bám chấp vào nó cả đời, từ học tới làm. Hơn nữa, điều bạn rất thích hôm nay chưa chắc mai này bạn vẫn tiếp tục thích nữa, thích mãi. Thế giới quan, nhân sinh quan của con người phát triển không ngừng nên việc thường xuyên nhìn lại để liên tục hiểu mình theo từng giai đoạn, điều chỉnh mình trong từng bước phát triển cho phù hợp nhất với đặc thù bối cảnh riêng là vô cùng cần thiết.
Hiểu được điều đó, nghĩa là các bạn tiếp cận các công cụ hướng nghiệp trong sự tham khảo thong dong để làm TIỀN ĐỀ liên tục hiểu mình, hiểu môi trường xung quanh, hiểu thị trường lao động. Song song đó, có cơ sở để chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án lùi (back up) trong trường hợp cần tới. Trong các buổi trò chuyện mình luôn nhấn mạnh với mọi người rằng: “Trang bị kiến thức hướng nghiệp nghĩa là tiệm cận đến phương thức CHỌN NGÀNH KHÔNG SAI CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ CHĂM CHĂM ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG”. Ngoài ra, cho dù tham khảo ý kiến của ai, tiếp cận phương pháp nào đi chăng nữa, điều quan trọng mấu chốt là các bạn vẫn phải là người có tâm thế chủ động và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc tổng hợp dữ liệu, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó của mình. Có như vậy, bạn mới có đủ nghị lực, sự kiên gan, nhẫn nại và tầm nhìn sáng suốt trên con đường TRẢI NGHIỆM để tìm cái đúng.
Đó mới là con đường phát triển nghề nghiệp bền vững trọn đời.
Nga Nguyễn. 17.09.2021
