Trí thông minh cảm xúc là kỹ năng nhất định phải có để phát triển sự nghiệp bền vững. Tìm hiểu cùng Mindful Career Vietnam bạn nhé!
Trí thông minh cảm xúc (EI/Emotional Intelligence – EQ/Emotional Quotient) đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với tất cả mọi người. Trong xu thế nghề nghiệp hiện đại, với sự xuất hiện và chiếm hữu của hệ thống trí tuệ nhân tạo và máy móc, trí thông minh cảm xúc càng được coi trọng hơn bao giờ hết. Có lẽ vì đây là một trong những yếu tố làm nên giá trị khác biệt giữa con người và máy móc.
Hơn nữa, sau khủng hoảng toàn cầu về công việc (2019 – 2021) do đại dịch COVID-19 gây ra, chưa bao giờ chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn đến vậy về một thế giới VUCA (biến động – bất định – phức tạp – mơ hồ). Việc cắt giảm nhân sự và thu nhập như một hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về tính “ổn định” của công việc hiện tại. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở mỗi người về bản chất thực sự của công việc là gì – vì sao chúng ta làm việc?
Để có thể thực sự phản tư, nắm bắt cảm xúc – nhu cầu – động lực của bản thân, từ đó tìm kiếm, xây dựng một nghề nghiệp thích hợp, chúng ta rất cần sở hữu trí thông minh cảm xúc.
Trí Thông Minh Cảm Xúc Là Gì? 5 Yếu Tố Của Trí Thông Minh Cảm Xúc
Trí thông minh cảm xúc là khả năng nhận diện, xử lý và đánh giá cảm xúc của bản thân hoặc người khác một cách chính xác và hiệu quả, từ đó đưa ra hành động tương ứng.
Định nghĩa này về trí thông minh cảm xúc được trình bày lần đầu tiên vào năm 1990 bởi 2 nhà tâm lý học Mayer và Salovey.
Họ cũng trình bày về 4 cấp độ của trí thông minh cảm xúc (từ đơn giản đến phức tạp) bao gồm:
- Nhận diện cảm xúc: nhận diện chính xác cảm xúc nào đang xuất hiện thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, biểu cảm, nét mặt, giọng điệu…
- Lý giải cảm xúc: sử dụng cảm xúc để điều hướng suy nghĩ và hành động bởi cảm xúc hoạt động như một dấu hiệu cho ta biết cần tập trung vào điều gì.
- Thấu hiểu cảm xúc: thấu hiểu những ý nghĩa ẩn sâu mà cảm xúc (dù tích cực hay tiêu cực) đang muốn truyền tải (điều gì khiến một người tức giận/vui mừng/buồn bã…).
- Điều tiết cảm xúc: khả năng điều tiết cảm xúc của bản thân để có hành động phù hợp và khả năng phản hồi cảm xúc của người khác.
Cụ thể hơn, Goleman (1995) phân trí thông minh cảm xúc thành 5 nhóm kỹ năng. Những kỹ năng này hình thành nên bản chất của trí thông minh cảm xúc:
- Sự tự nhận thức bản thân (self-awareness)
- Khả năng tự điều chỉnh (self-regulation)
- Động lực
- Thấu cảm
- Kỹ năng xã hội
Tầm Quan Trọng của Trí Thông Minh Cảm Xúc trong Công Việc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trí thông minh cảm xúc có ảnh hưởng đến sự thành công trong nghề nghiệp và môi trường làm việc. Dưới đây là 9 điều mà bạn sẽ đạt được khi sở hữu trí thông minh cảm xúc cao:
- Giao tiếp tốt và hiệu quả hơn: Bởi lẽ, bạn có khả năng thể hiện một cách kiên định và tinh tế ý tưởng, mục tiêu của bản thân trong công việc. Vì hiểu rõ mình nên bạn không dễ bị e ngại hay tự cao.
- Làm việc nhóm hiệu quả hơn: Trí thông minh cảm xúc có liên quan đến các kỹ năng xã hội cần thiết để làm việc với đội nhóm như động viên, khích lệ, điều phối…
- Nâng cao năng lực lãnh đạo: Người lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc cao biết cách xây dựng môi trường làm việc gắn kết và hỗ trợ từ đó thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên với tổ chức hoặc đội nhóm.
- Khả năng quản lý căng thẳng (quản lý stress): Trí thông minh cảm xúc cũng được cho là một yếu tố giúp cá nhân ứng biến với các tình huống mơ hồ và gây căng thẳng. Trí thông minh cảm xúc tốt cho phép bạn nhận diện và điều tiết căng thẳng một cách hiệu quả.
- Tránh hành động khinh suất: Khi có trí thông minh cảm xúc tốt, bạn hiểu rằng mọi cảm xúc đều có ý nghĩa nhưng chỉ mang tính tạm thời nên rất dễ để dừng lại quan sát và hiểu sâu về cảm xúc trước khi hành động. Điều này giúp bạn không bị kiểm soát bởi các cuộc mâu thuẫn hay sự kiện gây căng thẳng. Nhờ vậy, bạn trở thành một người đáng tin cậy trong mắt sếp và đồng nghiệp. Bạn cũng tránh rước vào mình những sai lầm không đáng có trong công việc.
- Tự nhận thức về bản thân (self-awareness) tốt hơn: Bạn biết mình cảm thấy như thế nào và vì sao như vậy. Hiểu rõ về bản thân giúp bạn tăng khả năng chấp nhận những điều bất như ý, dám chịu trách nhiệm và đón nhận lời nhận xét, dám từ chối, có định hướng rõ ràng về mục đích trong sự nghiệp.
- Thấu cảm với người khác: Trí thông minh cảm xúc cao cho phép bạn nhìn người đối diện với chính góc nhìn của họ, từ đó thấu hiểu vì sao họ có cảm xúc, cách hành xử, phản ứng trong các tình huống nhất định. Nhờ vậy, bạn không phán xét và có thể giao thiệp với họ một cách khéo léo.
- Khả năng lắng nghe – giải quyết vấn đề: Trí thông minh cảm xúc là tiền đề để bạn có khả năng lắng nghe tuyệt vời. Chỉ khi lắng nghe đủ sâu, bạn mới hiểu được cốt lõi của vấn đề và đưa ra phương án giải quyết phù hợp nhất.
- Gia tăng sự hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống: Với khả năng thấu hiểu bản thân, quản trị mối quan hệ và giải quyết vấn đề thấu đáo, đây là kết quả gần như tất nhiên khi bạn có trí thông minh cảm xúc tốt. Hơn nữa, sự hài lòng cũng đến từ việc bạn có cho mình khả năng để tìm niềm vui và ý nghĩa trong công việc của mình.
Làm Sao để Cải Thiện Trí Thông Minh Cảm Xúc?
Phát triển EQ bằng cách luyện phản tư
Phản tư (reflection) là một trong những cách hữu hiệu nhất để bạn cải thiện trí thông minh cảm xúc. Bạn có thể thực hiện 3 hoạt động sau đây để việc phản tư được hiệu quả:
- Viết nhật ký: Mỗi cuối ngày, dành 15 phút để nhớ lại và ghi chép những cảm xúc của bản thân trong ngày, bao gồm những phản ứng, hành động, suy nghĩ…
- Đặt câu hỏi: Liên tục đặt các câu hỏi gợi mở (theo mô hình 5W1H) để có cái nhìn sâu và rộng về cảm xúc của chính mình.
- Chú ý đến các khuôn mẫu cảm xúc: ghi chép thường xuyên và đọc lại để có thể nhận ra được các khuôn mẫu cảm xúc của bản thân, từ đó thay đổi hoặc cải thiện.
Phát triển EQ bằng cách học lắng nghe
Thay vì chủ động nói về bản thân, hãy học cách lắng nghe chủ động.
Lắng nghe chủ động bao gồm rất nhiều kỹ năng như hiện diện toàn vẹn với câu chuyện của người kể, nắm bắt cảm xúc, phản hồi cảm xúc của họ và lưu giữ từ khóa quan trọng trong câu chuyện.
Lắng nghe giúp bạn cải thiện trí thông minh cảm xúc vì nó yêu cầu bạn phải chú tâm đến tất cả các khía cạnh của cảm xúc: ngôn ngữ – phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) – ý nghĩa của cảm xúc – tác nhân kích hoạt cảm xúc – nhu cầu và động lực…
Hãy bắt đầu tập lắng nghe từ những người gần gũi nhất với bạn.
Phát triển EQ bằng cách học cách thấu cảm
Học cách thấu cảm là học cách đi bằng đôi giày của người khác, nhìn đời bằng góc nhìn của người khác. Đây cũng là một trong những kỹ năng khó nhất của trí thông minh cảm xúc. Học được cách thấu cảm, bạn buông bỏ được sự phán xét, từ đó dễ dàng thiết lập mối quan hệ sâu sắc và tin cậy. Có được những mối quan hệ tốt, bạn mở ra cho mình nhiều cơ hội hơn trên hành trình phát triển sự nghiệp bền vững.
Nhìn chung, trí thông minh cảm xúc là năng lực cần thiết và quan trọng trong thế giới nghề nghiệp hiện đại. Đặc biệt, với sự chuyển biến mạnh mẽ về bản chất công việc – đòi hỏi tính linh hoạt, kết nối với con người, cạnh tranh với máy móc, trí thông minh cảm xúc dường như là lợi điểm độc nhất của con người để thành công.
0 Comments