Người hạnh phúc là người có khả năng tự phục hồi cao

Tôi thực sự có ấn tượng mạnh mẽ với định nghĩa này của nhà tâm lý học Peter Kramer.

Trong quá trình tiến hoá của loài người, từ cấp độ toàn thế giới đến quốc gia, dân tộc, gia đình hay cá nhân nào cũng đều trải qua những cơn sang chấn mạnh mẽ, những giờ phút hoảng loạn, bàng hoàng, chia ly, mất mát, đau thương… Tất cả ập đến hoặc rất nhanh hoặc dai dẳng kéo dài.

Và rồi mọi thứ cũng sẽ đi qua, tất cả đều sẽ được phục hồi… trước khi cơn sang chấn mới xuất hiện.

Mọi sự vô thường là vậy.

Nhưng những đợt hồi phục sau sang chấn ấy liệu có phải là sự hồi phục hoàn toàn trong hạnh phúc, hoan ca… hay chỉ là sự gượng dậy bề ngoài mà mãi mãi để lại sâu bên trong là những tổn thương, những di chứng nhức nhối dày vò người trong cuộc suốt những năm tháng về sau?

Nỗi “đau” có thể đến bất ngờ, tấn công bạn, nhưng có cảm thấy “khổ” hay không lại là sự lựa chọn của chính bạn!

Khả năng tự phục hồi không tự nhiên mà có. Nó cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tự thấu hiểu chính mình, và hiểu bản chất của tác nhân, ngoại cảnh tác động đến mình.

Khả năng tự phục hồi không thể chỉ dựa trên chủ nghĩa AQ nhắm mắt quơ quàng trong bóng tối la làng lên rằng tôi ổn, mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn:
+ tôi đang có thế mạnh gì về thể chất, trí tuệ, tinh thần?
+ tôi có điều kiện thuận lợi gì về vật chất, tiền bạc, người thân?
+ tôi đang có ai sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ, giúp đỡ?
+ tôi đang có hạn chế nào cần phải học hỏi và phát triển?
+ thái độ, hành vi của tôi đối với người khác như thế nào, tác động đến cảm xúc của họ ra sao?
+ tôi đang xây dựng hay phá huỷ các mối quan hệ xung quanh mình?
+ nguồn năng lượng của tôi đang hướng về phía nào thì tôi cảm thấy mình có ý nghĩa, có giá trị?
+ và cuối cùng… tôi đang yêu thương chính mình ra sao?

Tất cả đều cần được phân tích và cảm nhận một cách khách quan, sâu sắc và hướng thiện, nghĩa là:

+ không có sự phán xét chính mình hay người khác
+ không có sự sợ hãi những điều mình thiếu sót hay hoang mang về những nguy cơ chưa xảy ra
+ không có sự hoảng loạn hay lo lắng về người nào đó, việc gì đó đã từng xảy ra trong quá khứ

Tất cả là FACTS, là sự thật hiển nhiên mà mình đang xem xét. Vậy thôi.

Tiếp theo, là quá trình HÀNH ĐỘNG để phục hồi. Tất cả cần dựa trên bối cảnh HERE and NOW – BÂY GIỜ và Ở ĐÂY. Buông hay giữ, tiến hay lùi, ở hay đi… đều nên là quá trình tư duy và ra quyết định then chốt trong cảm xúc quân bình, nhẹ nhàng, thấu hiểu, trọn vẹn và an nhiên.

Đã quyết là không dính mắc với chính bản thân mình, không oán trách người khác, không đổ thừa hoàn cảnh.

Điều đó đòi hỏi sự chánh niệm, tỉnh thức ở cả cảm xúc và hành động đã được phân tích thấu đáo. Chúng ta không thể nào hạnh phúc nếu trong quãng thời gian dài liên tục cảm thấy không trọn vẹn với những thứ mình đang làm, những gì mình đang có… bởi mãi ám ảnh về những chuyện đã qua, dính mắc với những mong cầu chưa tới, không có thực, hoặc vô lý, hoặc chỉ có được bằng sự cưỡng chế…

Mindfulness là sự tỉnh thức. Là sự ý thức được điều mình đang làm, gọi tên được cảm xúc mình đang trải qua và tập trung toàn tâm vào giải pháp cho những vấn đề hiện hữu.

Mindfulness, cùng Meditation là phương cách hữu hiệu nhất cho sự phục hồi toàn diện từ bên trong, toát ra thành sự vững chãi bên ngoài.

Hiệu quả trong công việc. Thành tựu trong sự nghiệp. Và Hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của cuộc sống tuỳ thuộc vào độ tỉnh thức của mỗi người.

Happiness is here and now.

———————————-

Nguyễn Thanh Nga – Sài Gòn mùa Covid 2020, ngày đầu tiên ngừng giãn cách xã hội