Hướng nghiệp xưa và nay – Lựa chọn nghề nghiệp theo kiểu hên xui

Cùng với sự phát triển tất yếu của các yếu tố kinh tế, xã hội, các xu thế lựa chọn nghề nghiệp cũng đã và đang dần thay đổi qua từng thời kỳ. Những dấu ấn xưa đậm tính “truyền thuyết” trong việc định hướng nghề nghiệp còn mang di chứng lâu dài đến tận thế hệ 2k… hôm nay. Bên cạnh đó, các trào lưu chọn nghề mới cũng được định hình theo tốc độ của thời cuộc. Sơ lược có thể kể đến các xu hướng chọn ngành nghề theo kiểu “chơi bài cào” nổi trội như sau:

1. Xu hướng “nghề gia truyền” – an bài theo số phận.

Sự nghiệp “cha truyền con nối” ảnh hưởng từ ngàn xưa bởi hình ảnh rất an phận kiểu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Mọi dự định tương lai sớm được sắp đặt an bài ngay khi con cái còn là một đứa trẻ lứa tuổi mầm non. Lớn hơn, nối nghiệp gia đình trở thành bổn phận và kỳ vọng của cha mẹ đặt vào những đứa con có hiếu. Việc cả dòng họ theo một ngành nghề gia truyền dường như đã trở thành chuyện đương nhiên bởi các yếu tố an toàn, ổn định, nhiều mối quan hệ có sẵn và không cần lo tìm việc sau khi ra trường. Vùng an toàn nghiễm nhiên ấy bó buộc đứa trẻ, khiến chúng không dám làm điều khác biệt. Thậm chí hoang mang vì không biết gọi tên sự khác biệt của mình là gì khi còn chưa kịp có cơ hội nhận diện đam mê và ước vọng của đời mình. Xu hướng học theo kỳ vọng của người thân. Trong giấc mơ của người lớn có vô vàn những giấc mơ dở dang, chưa thành hiện thực. Bằng cách nào đó, trong sự đưa đẩy của tiềm thức, người lớn đặt mong đợi và kỳ vọng ấy lên vai con trẻ. Và những đứa con hiếu thuận hay những học trò ngoan hiền, không còn cách nào khác, cày ngày cày đêm cho ước vọng của những người thân yêu.

Việc quyết định bước vào một ngành nghề theo ý thích của người thân khiến những người trẻ tặc lưỡi bỏ qua niềm mơ ước của chính bản thân mình bởi họ sợ làm cha mẹ buồn, ông bà thất vọng, cậu mợ thở dài, thầy cô ruồng bỏ hay thậm chí… hàng xóm bàn tán. Cái áp lực vô hình về tinh thần trách nhiệm ấy cao đến nỗi cho dù có len lén đăng ký vào trường, ngành mà mình ưa thích rồi cũng nín khe ráng giấu cho tới khi bị phát hiện, bị cả dòng họ nói hết ngày này qua tháng nọ, người trẻ ngậm ngùi đi rút hồ sơ chuyển đến nơi mênh mông, vô định của cái ngành mà mình không chút mảy may có cảm giác thuộc về. Xu hướng tìm ngành “hot”, lương “hot” nhưng bản thân mình… chưa “hot”.

Những năm thế hệ 8x đi thi đại học là giai đoạn vàng son của ngành Ngân hàng, Bưu chính viễn thông… Mức lương, thưởng khủng ở hai ngành này đã thu hút rất nhiều hồ sơ đăng ký chọn trường thời đó. Mấy ai ngờ được, giữa lúc biển người nháo nhào học Ngân hàng / Ngoại thương… đến năm 3, năm 4 hoặc mới ngơ ngác ra trường được vài năm thì khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đổ ập vào như một cơn sóng thần, cuốn phăng mọi mong chờ, kỳ vọng. Ngay cả những ngân hàng khổng lồ và lâu đời trên thế giới như Lehman Brothers, Merrill Lynch, Citigroup, AIG… cũng lâm nạn, nhân sự ngành Ngân hàng / Tài chính tại Việt Nam cũng lâm vào khủng hoảng thừa. Trước đó không lâu, sự kiện Việt Nam lần đầu tiên hòa mạng internet toàn cầu năm 1997 và sự phát triển mạnh mẽ từ chính sách “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá” giai đoạn 2000 – 2010 đã phá thế độc quyền của ngành Bưu Chính Viễn Thông. Dân học Bưu Chính Viễn Thông ra trường bỗng dưng hết “hot”.Tương tự thế, các trào lưu nghề nghiệp thay đổi liên tục mà không ai có thể đoán trước chắc chắn được gì. Việc mải mê chạy theo ngành “hot”, lương “hot” trong thế giới vô cùng bất định khiến người trẻ quên mất việc nhìn lại bản thân, làm thế nào để mình luôn luôn “HOT”?!

2. Xu hướng “hãy sống với đam mê”… nhưng chẳng biết tui đam mê gì…

Nói về hướng nghiệp, không thể nào không kể đến một bộ phận những người trẻ hùng hồn giương cao khẩu hiệu “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, mà quên mất khả năng thực mà mình đang có. Greg Walton đã nhấn mạnh trong một nghiên cứu của Đại học Stanford, “Đam mê là thông qua một quá trình đầu tư và phát triển, quá trình bạn xây dựng một niềm yêu thích nhất định trong một lĩnh vực.” Việc phóng mình như một mũi tên theo cái gọi là “đam mê” mà thiếu quá trình nhìn nhận Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Tôi có thế mạnh và hạn chế gì? Tôi cần làm gì để phát triển hơn?… đã đẩy khá nhiều người trẻ ATSM (ảo tưởng sức mạnh) bước ra đời trong ảo vọng triệu đô. Những người trẻ ấy, trong lúc nào đấy, đã quên mất rằng, trong cuộc đời họ có vô vàn những sở thích nhất thời, có thể biến mất bất cứ lúc nào.Sự nghiệp của cuộc đời chỉ có được khi thử thách trong công việc là chất kích thích giúp ta tìm mọi cách giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn, chấp nhận học hỏi và lớn lên từ những sai lầm, phản tư nghiêm túc và say mê dấn thân trong cả những giờ phút khó khăn nhất của nghề. Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng từng nhấn mạnh: “Hãy sống với những ước mơ của bạn trong những hoạt động hàng ngày của mình. Mỗi ngày một tí để những ước mơ ấy trở thành hơi thở của bạn, trở thành động lực để bạn thức dậy mỗi sáng, trở thành động lực giúp bạn đứng dậy sau khi thất bại, trở thành niềm tự hào cho dù chưa đạt mức thành công như mong muốn”

3. Xu hướng học để khởi nghiệp…

Trong những năm gần đây, khi phong trào khởi nghiệp lan rộng khắp nơi, đặc biệt là khi các chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp trở thành nơi khơi dậy đam mê của nhiều người trẻ, mục tiêu chọn ngành học gì để ra trường dễ khởi nghiệp nhất đang là con đường lý tưởng mà nhiều bạn lựa chọn. Tuy nhiên, cần xác định rõ lại rằng “khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp, mà hình thức thường thấy nhất đó là thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó” chứ không đơn thuần tự mỗi cá nhân kiếm đồ về bán hàng online là được gọi “khởi nghiệp” như một bộ phận người trẻ đang lầm tưởng.Nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp mà quên mất rằng để có thể tồn tại và lớn mạnh giữa làn sóng cạnh tranh vũ bão, người khởi nghiệp cần trang bị bản lĩnh doanh nghiệp bao gồm: vốn, tầm nhìn chiến lược, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng quản lý, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thấu hiểu nhu cầu thị trường và tạo sự khác biệt, mạng lưới xã hội bao gồm các mối quan hệ tương tác đa chiều, hỗ trợ lẫn nhau và một tinh thần thép “thắng không kiêu, bại không nản”…

Xu hướng chọn ngành để khởi nghiệp ngay sau khi ra trường mà thiếu cái nhìn tổng quan và tâm thế sẵn sàng học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng toàn diện khiến nhiều người trẻ hụt chân trong sự nóng vội của chính mình.

3. Xu hướng học cho… có chỗ để học.

Việc thiếu định vị bản thân từ sớm, thi rớt hoặc “tai nạn” thiếu điểm vào trường mình muốn mà không chủ động dự trù trước phương án thay thế khiến người trẻ và cả gia đình lâm vào hai tình cảnh. Một là vật vờ chọn đại, thôi trường nào cũng được, kiểu gì cũng học chứ không học cũng chẳng biết làm gì. Hai là nháo nhác, quáng quàng tìm nơi tá túc học tạm một năm chờ thi lại. Cả hai phương án này, nếu hên, người trẻ sẽ vào một môi trường kích thích được năng lượng dư thừa của tuổi trẻ, học đúng ngành, chơi đúng chỗ. Cho dù có tá túc một năm họ cũng học được rất nhiều điều. Nếu xui, không hợp ngành, hợp trường, đó sẽ là thời gian lê thê của chán chường, nghỉ học, thi lại…


Tham khảo:

https://bit.ly/3ykcmeg
https://bit.ly/3kPA6Pw
https://bbc.in/3LRbJNe
https://bit.ly/3KL8EwR

https://bit.ly/3KL8SEd

Nga Nguyễn – Viết ngày 21/08/2019

 

29595513 985819081568309 3929616898514476116 N

Coach Nga Nguyễn, cùng đội ngũ Chuyên viên tham vấn Hướng nghiệp

Chương trình Ngày hội Hướng nghiệp

do công ty Hướng nghiệp Hồn Việt (nay là Hướng nghiệp Sông An) tổ chức.