Thỉnh thoảng, khi nhớ về những khoảnh khắc đứng ở một ngả rẽ nào đó trong việc lựa chọn nghề nghiệp, tôi cảm nhận rõ cảm xúc của mình trong từng bối cảnh. Đối diện với hơn một con đường mà mình có thể dấn bước là hàng loạt những câu hỏi không hề có một đáp án chắc chắn nào. Trong tận sâu tâm khảm của mình, đã hơn một lần, tôi ước gì mình có được người bạn đồng hành đáng tin cậy, hiểu biết về thế giới nghề nghiệp và đặc biệt, có cách giúp tôi bớt hoang mang trong những thời khắc then chốt của cuộc đời.

Nói một cách công bằng, ba má tôi là những người rất tuyệt vời khi họ cho tôi không gian tự do để trải nghiệm cuộc sống. Tôi nhớ rằng mình đã khá độc lập ngay từ những ngày còn rất bé, trong cả suy nghĩ, mối quan hệ với bạn bè và hướng phát triển của bản thân. Tôi bước đi trong điệu nhạc của riêng mình, thể nghiệm khả năng của mình bằng sự tò mò non trẻ trong từng hoạt động đội nhóm, hoạt động tình nguyện.

Ấy thế nhưng không phải sự tự do nào cũng mang về kết quả lý tưởng. Rõ ràng, giữa niềm tự hào chinh phục thử thách, từng bước nhích ra khỏi vùng an toàn trong sự tự do ấy, tôi luôn cảm thấy thứ mình rất thiếu là một sự định hướng sắc bén, logic và khoa học về con đường phát triển bản thân và chọn lựa nghề nghiệp.


Đó cũng chính là lúc tôi nhận bài học về sự thất bại lớn đầu đời. Tôi thi rớt đại học khi chọn ngành một cách thiếu chủ đích. Tôi phải học tạm bằng điểm vớt ở một khoa khác, ngành khác “cho có cái để học với người ta”. Sau 6 tháng, tôi quyết định ngưng học, nghiêm túc ngồi xuống với chính mình và quyết tâm thi lại vào năm tiếp theo.


Không thể phủ nhận rằng có những khoảnh khắc kỳ lạ, tôi ước gì ba má tôi đừng cho tôi sự tự do đến như vậy. Trí óc non nớt của tôi khi ấy nhằm khi chỉ mong ba má quyết đại dùm tôi một phát cho xong, còn hơn là nói với tôi rằng “con thích làm nghề nào cũng được!”. Cái chữ “cũng được” ấy nó càng làm cho sự mơ hồ len lỏi sâu trong tôi, càng làm cho mình thấy thiếu. Mà không biết mình thiếu cái gì.

Tự do, rõ ràng tôi cũng rất cần. Nhưng tự do như thế nào để bớt hoang mang, nếu có đi lạc cũng còn biết cách trở về?
Đến khi làm mẹ, nhìn lại những câu hỏi này, tôi mới thấy ba má tôi ngày đó chắc cũng như con gà nhảy lưng tưng mắc kẹt cọng dây quanh cái cối xay bột. Tôi hoang mang một, ba má tôi sốt ruột, lo lắng gấp đôi. Được cái là ba tôi có tính “tỉnh như ruồi”. Chuyện tới đâu gỡ tới đó. Và họ cho tôi có quyền được thất bại. Miễn là phải đủ kiên gan để làm lại từ đầu.
Sau này nhìn lại, điều may mắn của tôi, cũng là sự biết ơn mà tôi luôn ghi nhận cho đến tận bây giờ là tấm gương yêu nghề của ba má. Bằng cái cách mà họ nghĩ về nghề, làm nghề, nói đến nghề… mỗi ngày, họ vô tình thẩm thấu vào tôi cái nhiệt huyết thông qua những câu chuyện đầy ắp niềm vui, lấp lánh sự tự hào. Họ nuôi dưỡng tôi, một cách không chủ đích, về những giá trị và sự trân trọng công việc mà họ đang làm. Có lẽ, đó là những hạt giống quan trọng thúc đẩy sự khát khao cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi sau này.

Rõ ràng, lựa chọn nghề nghiệp là một quyết định cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai của mỗi cá nhân. Vì vậy, trong vai trò là người dẫn đường trong gia đình, cha mẹ có thể trở nên rất căng thẳng khi nói về tương lai của con cái. Nếu chúng ta đánh mất sự lạc quan, áp lực về một tương lai mơ hồ hoàn toàn có thể trở thành gánh nặng khủng khiếp. Và thời điểm chọn nghề sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho tất cả những người có liên quan. Một cách vô tình, cha mẹ có thể làm cho quá khứ có vẻ hoàn hảo và tương lai trở nên đáng sợ. Chúng ta lo lắng cho con, một phần bởi những trải nghiệm cá nhân từ những thất bại / thành công của chính chúng ta.


Chọn nghề, nó không chỉ là về việc quyết định một công việc hay nghề nghiệp. Đó là về việc LỰA CHỌN MỘT CUỘC SỐNG PHÙ HỢP VỚI CÁC GIÁ TRỊ VÀ THAM VỌNG CỦA CHÍNH NGƯỜI TRONG CUỘC. Câu chuyện chỉ trở nên thật sự “chạm” vào mỗi người nếu chúng ta buông được áp lực lo toan, kỳ vọng duy ý chí xuống.

Cha mẹ học cách hít thở, thư giãn và khuyến khích trẻ suy nghĩ về những gì chúng thích thú và muốn làm trong tương lai.

Cha mẹ và con cái cùng tìm cách suy nghĩ rộng hơn, và xa hơn các môn học ở trường, nói về những điều khiến chúng hạnh phúc.

Cha mẹ kiên trì ngồi cùng con trong không gian và tâm thế thoải mái nhất, đặt cho con những câu hỏi phản tư về những gì con đã đạt được.

Cha mẹ trao cho con những thử thách hợp với lứa tuổi của con, mỗi ngày cùng con vượt qua từng cản trở, duy trì khả năng vượt khó, nhẫn nại và bao dung.

Đó là hành trình từng bước một trao quyền cho con, cùng giúp con tự đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên kỹ năng và điểm mạnh của mình.

Bằng cách thực hiện những cuộc trò chuyện nhỏ mỗi ngày, cha mẹ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn khi bước vào thời điểm có những cuộc trò chuyện thật sự nghiêm túc về sự nghiệp và cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cũng đã hườm hườm có trong tay bức tranh rõ ràng hơn về sở thích của các con. Nếu bạn biết con quan tâm đến điều gì, bạn sẽ có thể hướng dẫn con cách tìm hiểu các con đường dẫn đến mục tiêu nghề nghiệp phù hợp.

Ngoài ra, để có thể trở thành người bạn đồng hành tốt nhất, thuyết phục nhất, sáng suốt nhất, cha mẹ cần trang bị cho mình một kiến thức tối thiểu về thị trường lao động, về những yếu tố căn bản trong quá trình quan sát con, thu thập thông tin thấu hiểu con, cách gợi mở cho con… để những nhận định của cha mẹ không mang tính chủ quan, duy ý chí và áp đặt.


Cuối cùng, cho dù đó là quyết định học nghề, cao đẳng, đại học hay tiến thẳng vào thế giới việc làm, đó cũng là lựa chọn của con dựa trên những phân tích, lập luận có cơ sở về sự thấu hiểu chính bản thân mình, sự vận hành không ngừng của xã hội và sự đang dạng của thế giới nghề nghiệp xung quanh con. Khi cha mẹ hiểu rõ đó không còn là thế giới của cha mẹ thì việc đồng kiến tạo con đường nghề nghiệp, không cách nào khác hơn là cha mẹ đặt sự chú tâm trọn vẹn vào con, tin tưởng con, trao quyền cho con và cùng con tích lũy mỗi ngày.
Sài Gòn 01.04.2022
Nga Nguyễn (Viollet Nguyen)