Học tập & Đào tạo theo Dự án (Project-basedLearning / Training)

Được xem là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả, Project-based Learning (PBL) được ứng dụng nhiều trong các chương trình giảng dạy từ Tiểu học cho tới Cao đẳng Đại học tại các nước phát triển, đặc biệt là những nước có tính thực dụng cao như Mỹ. Vậy, khi ứng dụng vào giảng dạy tại các trường Cao đẳng – Đại học Việt Nam, PBL có thể hỗ trợ sinh viên, giảng viên ra sao?

I/ SINH VIÊN CẦN TRANG BỊ KỸ NĂNG GÌ?

Trong báo cáo năm 2014, từ cuộc nghiên cứu về sự phát triển của Việt Nam, “Skilling up Vietnam: Preparing the workforce for a modern market economy” (Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam), Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra các kỹ năng mà đa số nhà tuyển dụng trong nước yêu cầu, trong đó (theo mình) hai kỹ năng nền tảng nhất, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất trong việc trang bị cho lực lượng lao động là KỸ NĂNG GIAO TIẾP và KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. Hai kỹ năng nền tảng này sẽ không thể có được trong môi trường giảng dạy truyền thống hoặc theo phương pháp bám sát vào lý thuyết đơn thuần, thậm chí hoạt động thảo luận nhóm ngắn ngủi trong giờ học hạn chế ở các bộ môn cũng chỉ có thể đạt được một phần rất nhỏ yêu cầu mà nhà tuyển dụng mong đợi.

 

Thứ nhất, KỸ NĂNG GIAO TIẾP tưởng chừng đơn giản nhưng có thể làm đối phương vô cùng nản nếu người lao động trước đó không được hướng dẫn và rèn luyện cách thức giao tiếp tích cực trong hoàn cảnh / tâm trạng (vô cùng) tiêu cực. Riêng về chuyện này thì mình chắc là ngay cả người đi làm lâu năm, kinh nghiệm lẫy lừng cũng còn phải học cách điều tiết và kiểm soát mỗi ngày, để mỗi lời nói, hành động của mình thật sự ổn với người khác, bao gồm cả đối tác, khách hàng, đồng nghiệp và người thân trong gia đình… Kỹ năng giao tiếp tích cực và hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chỉ số quản lý cảm xúc cá nhân (EQ). Cuối cùng, rõ ràng rằng ai có kỹ năng giao tiếp kém tự khắc làm việc nhóm (teamwork) gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.

Thứ hai, KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ cuối cùng cũng chỉ là sự sáo rỗng, giáo điều nếu người học chỉ được nhai đi nhai lại mớ lý thuyết trong cuốn sách nào đó mà chưa bao giờ được/bị gặp vấn đề thực để mà thử tự mình giải quyết. Kỹ năng này liên quan rất nhiều đến việc sinh viên được đặt vào một tình huống cụ thể, trong tương tác với những con người thật, nhúng mình vào cảm xúc thật để buộc phải ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH và CHỊU TRÁCH NHIỆM với quyết định đó. Chuyện các bạn trẻ được gia đình “úm” từ nhỏ tới lớn không phải mó tay vào việc lớn bé gì trong nhà cho tới ngoài đường đã có nhiều người bàn luận quá rồi, vậy vấn đề đặt ra ở đây là AI sẽ là người cho các bạn ấy cơ hội được học cách ra quyết định và chịu trách nhiệm trong quá trình giải quyết vấn đề… kể cả khi quyết định ấy là sai.? … Và AI sẽ là người giúp các bạn ấy ngồi lại đánh giá cái SAI nằm chỗ nào để cùng nhau tìm ra cách SỬA trong lần thử thách tới?!

Đối với tất cả các kỹ năng, mình nhấn mạnh ở cả 2 vế HỖ TRỢ và TỰ THÂN VẬN ĐỘNG trong một quy trình khép kín là HƯỚNG DẪN – RÈN LUYỆN – HỖ TRỢ ĐIỀU CHỈNH – TIẾP TỤC RÈN LUYỆN ở cấp độ cao hơn.

Bản thân là người trưởng thành từ hoạt động thanh thiếu niên từ ngày còn rất nhỏ, điều mình tiếc nhất trong suốt quá trình đó của mình (và cũng là nhiều bạn đang hoạt động phong trào hiện nay) là việc thiếu một người hỗ trợ (coach) thực sự mạnh trong mảng phát triển con người. Hầu hết các kinh nghiệm thu thập được trong suốt quá trình hoạt động Đoàn – Đội – Hội của mình là kinh nghiệm truyền miệng, anh em đi trước dạy anh em đi sau, rồi tự ngồi rút tỉa cho các hoạt động kế tiếp, case by case, person by person. Đến sau này, khi có cơ hội được học, đọc và nghiên cứu các lý thuyết về quản trị, hiểu về khoa học quản trị một cách bài bản, hệ thống, mình mới vỡ òa ra rất nhiều điều, tự xâu chuỗi và kiểm nghiệm lại cho mình quá trời thứ hay ho mà trước đây không có ai dạy, toàn tự mày mò va vấp để phát triển. Và mình chợt hiểu, chính vì thiếu cơ sở lý luận nền tảng rõ nét và khoa học đó mà hầu hết các bạn trẻ tự rối rắm trong mớ bòng bong triết lý của riêng mình, lẩn quẩn trong vô vàn câu hỏi những giá trị thật và ảo,giữa cái ngắn hạn với cái lâu dài, giữa cái chung và cái riêng… không tìm thấy đường ra. Rõ ràng, nếu có người hỗ trợ kịp thời và đúng đắn, các bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và sức lực trong quá trình DẤN THÂN – THỬ – SAI – SỬA.

II/ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY NÀO GIÚP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TỐT NHẤT CHO SINH VIÊN ?

Mỗi một phương pháp giảng dạy có một thế mạnh riêng, phù hợp với đặc thù môn học cũng như những đối tượng, thời lượng và số lượng người học khác nhau nhưng tựu trung lại có lẽ cá nhân mình thích nhất là phương pháp dạy và học theo dự án (project based learning). Mình thấy hiệu quả của nó mạnh mẽ và lâu dài trong cả việc giảng dạy ở nhiều bộ môn hoặc các chương trình huấn luyện, đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ năng cao.

Nếu các phương thức giảng dạy khác, người học chỉ tiếp xúc với 1 người thầy thì với phương pháp làm việc trên dự án, sinh viên được học với tận 2 người thầy: người thầy thứ nhất theo nghĩa đen từ trước đến giờ là người truyền đạt / người hướng dẫn / người đứng lớp (tạm gọi là ông thầy vật chất) và người thầy thứ 2, là người thầy THỰC TẾ. Người thầy thứ 2 này mới thật sự có giá trị lâu dài và tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của quá trình rèn luyện và phát triển. Theo một cách ngẫu nhiên thú vị, trong một giai đoạn cao trào nào đó của dự án, người thầy vật chất cũng trở thành học trò của ông thầy thực tế, khi mà cả thầy và trò phải ngồi lại với nhau thâu đêm suốt sáng, hoặc thậm chí nước mắt nước mũi tèm lem để cùng tìm ra lời giải / phương án cho những trường hợp phát sinh nằm ngoài dự kiến. Mình gọi đó là lúc làm bài tập / bài thi vượt chướng ngại vật mà ông thầy thực tế đặt ra :).

Giải quyết vấn đề, ra quyết định, thương thuyết, mở rộng mạng lưới các mối quan hệ, điều tiết cảm xúc để giữ mối quan hệ tích cực, truyền đạt thông tin hiệu quả, đeo bám mục tiêu, giữ vững cam kết, kể cả đối diện với sự đào thải cũng đều diễn ra ở đây. Bài tập kiểu này, không giảng viên nào dự đoán chi tiết trước được. Chỉ biết rằng nó sẽ xảy ra, và hỗ trợ sinh viên mình các kỹ năng để đối diện với tất cả những điều bất ngờ đó. Từ từ, từng bước một, tính linh hoạt được tăng cao, khả năng chịu áp lực được nâng cấp, sự tiết chế được hình thành, quá trình phối hợp sẽ dần trở nên nhuần nhuyễn… các bạn lớn lên từng giờ. Trong suốt quá trình này, các bạn được theo dõi, uốn nắn, nhắc nhở, điều chỉnh từ những hành vi và thái độ nhỏ nhất. Và khi đó, sự thành công đo bằng quá trình phát triển hơn là kết quả cuối cùng.

Theo mô hình của Gold Standard Project Based Learning dưới đây, dựa trên mục tiêu xoay quanh các kiến thức, hiểu biết và kỹ năng nền tảng đem lại thành công cho người học, các dự án được thiết kế dựa trên 8 yếu tố căn bản hỗ trợ sát sườn cho sự phát triển nền tảng của một con người.

Gold Standard Project Based Learning

 

· Key Knowledge, Understanding, and Success Skills – The project is focused on student learning goals, including standards-based content and skills such as critical thinking/problem solving, communication, collaboration, and self-management.

  1. · Challenging Problem or Question – The project is framed by a meaningful problem to solve or a question to answer, at the appropriate level of challenge.
  2. · Sustained Inquiry – Students engage in a rigorous, extended process of asking questions, finding resources, and applying information.
  3. · Authenticity – The project features real-world context, tasks and tools, quality standards, or impact – or speaks to students’ personal concerns, interests, and issues in their lives.
  4. · Student Voice & Choice – Students make some decisions about the project, including how they work and what they create.
  5. · Reflection – Students and teachers reflect on learning, the effectiveness of their inquiry and project activities, the quality of student work, obstacles and how to overcome them.
  6. · Critique & Revision – Students give, receive, and use feedback to improve their process and products.
  7. · Public Product – Students make their project work public by explaining, displaying and/or presenting it to people beyond the classroom.

Tương ứng theo đó là những hoạt động của giáo viên được lồng ghép, cài cắm cho phù hợp với từng giai đoạn của dự án. Như vậy, toàn bộ quá trình là sự phối hợp linh hoạt và nhịp nhàng giữa người dạy và người học, người hỗ trợ và người thực hành, trong từng giai đoạn ngắn và dài hạn. Các kiến thức chuyên ngành được đo bằng sản phẩm thực tế là bài thuyết trình, báo cáo dự án, video clip, event các loại, sắm vai giải quyết tình huống… bên ngành kỹ thuật thì là máy móc, động cơ, thiết bị… Các hoạt động được khởi động ở cấp độ ban đầu là trong khuôn khổ lớp, dần dần nâng cấp lên cấp độ liên kết các khoa, trong toàn trường, học cách phối hợp với các phòng ban, cao hơn nữa là làm việc với các chuyên gia bên ngoài, liên kết với các đối tác, chính quyền địa phương và các đội nhóm trong khu vực. Như vậy, bằng một cách tiếp cận từ gần đến xa, từ rộng đến hẹp, các bạn học cách mở rộng vùng giới hạn của chính mình. Sự tự tin tất yếu sẽ phát triển nhanh chóng.

Thực hành giảng dạy theo dự án

 

Mình tin rằng, những ai đã từng theo đuổi phương pháp này cũng đều thấy sự hấp dẫn khó cưỡng của nó. Cùng một lý thuyết căn bản, đôi khi cùng một đề bài, nhưng bài học thực tế của nhóm này hoàn toàn khác bài học thực tế của nhóm khác, đơn giản bởi đặc thù cá tính, văn hóa, trình độ, kinh nghiệm, ý thức, giá trị, niềm tin… của mỗi cá nhân trong mỗi nhóm khác nhau thì tất yếu hiệu quả tương tác cũng khác và các vấn đề phát sinh trong quá trình cọ xát là muôn hình vạn trạng, chưa kể quá trình làm việc với đối tác bên ngoài cũng không phải lúc nào cũng theo 1 kiểu. Hoặc ngay trong cùng một nhóm sinh viên, bài học thực tế của dự án này cũng lại hoàn toàn khác bài học được rút ra từ dự án khác bởi các yếu tố ngẫu nhiên không bao giờ như nhau, biến hóa thú vị vô cùng. Công việc của người thầy vật chất là nắm được cốt lõi giá trị của ông thầy thực tế để biến nó thành thông điệp chốt vấn đề, liên kết lại nguyên lý, nhắc lại lý thuyết đã học hoặc chia sẻ tiếp lý thuyết có liên quan và mở ra các hướng phát triển tiếp theo, kể cả việc nhờ các chuyên gia giỏi tiếp sức với mình để các bạn có cái nhìn đa chiều và toàn diện.

Cái khó ở đây, theo ý kiến vô cùng chủ quan của mình, là làm thế nào để trong suốt quá trình làm việc này, người dẫn đường phải cực kỳ thấu hiểu và kiên nhẫn với các bạn, dung hòa được nguyên tắc và tình cảm trong đối xử với các bạn, chấp nhận những sai sót tất yếu bởi các bạn cần thời gian để trưởng thành, tin tưởng vào năng lực của các bạn, công nhận những nỗ lực dù là nhỏ nhất, quan sát và chia sẻ cùng các bạn. Hiểu rõ rằng THỬ và SAI là quyền của tuổi trẻ. Rồi cái sai sẽ mỗi ngày được điều chỉnh nhỏ lại, rồi bản lĩnh và sự tự tin sẽ ngày một lớn lên, rồi tính kiên trì, nhẫn nại và sự kiên gan sẽ dần mở rộng giới hạn. Rồi một ngày khi nhìn lại cả một quá trình, các bạn thật đáng để chúng ta tự hào.

Bản thân mình cũng học được rất nhiều bài học cực kỳ đáng giá trong quá trình phát triển cùng các bạn, và mình nhận thấy rằng, trong vai trò là người đi trước, việc thể hiện rõ chính kiến về giá trị bản ngã, sẵn sàng đối thoại dựa trên sự công tâm, bình đẳng, chính trực, hiểu biết trên nền tảng giá trị nhân văn là điều mấu chốt giúp các bạn đặt niềm tin và cùng chúng ta lèo lái cả con thuyền.

Và cứ thế, mỗi lần mấy đứa nhỏ của mình bần thần, loay hoay, lo lắng, thậm chí ứa nước mắt trước thử thách nào đó của ông thầy thực tế, mình lại tìm cách thong thả, thỏ thẻ rồi thủ thỉ mà rằng: CÁC CON YÊU QUÝ, CHÚNG TA CHƯA BAO GIỜ LÀM VIỆC DỄ DÀNG 🙂 ♥

P/s: bài viết gửi tặng thầy cô và các học trò Việt Mỹ nhân một ngày dễ thương của tháng 11/2017 ♥

Tham khảo:

“Project Based Learning is a teaching method in which students gain knowledge and skills by working for an extended period of time to investigate and respond to an authentic, engaging and complex question, problem, or challenge.” https://www.bie.org/about/what_pbl

http://www.worldbank.org/en/country/vietnam/publication/vietnam-development-report2014-skilling-up-vietnam-preparing-the-workforce-for-a-modern-market-economy

Nga Nguyễn – Viết ngày 16/11/2017