Ham muốn vi tế

Mình có một nhóm, hơn 10 năm trước vừa là đàn em vừa là đồng nghiệp chuyên thiết kế các sản phẩm, chương trình đào tạo Giá trị sống cho thanh thiếu niên. Hôm rồi có đứa nêu lên ý kiến cùng tạo chương trình giúp đỡ cho 1.500 em học sinh mồ côi vì dịch covid. Em thấy có nhiều cái nhà nước nói là có chính sách mà làm không tới nơi, chất lượng và số lượng đều thiếu thốn. Có vẻ như 1500 em nhỏ ấy cũng khó thể tiếp cận chương trình của nhà nước 1 cách đồng đều và đầy đủ.

Mình mới nghe qua, cái thương trong mình ngay lập tức trỗi dậy. Cảm giác ập tới đầu tiên là thương cho những đứa trẻ, khi mình nhớ lại những bài báo, những hình ảnh trên tivi mà mình xem hổm giờ. Tiếp theo là hiểu và thương cái khát vọng được cho đi, được giúp đỡ của đứa em mình. Mình cũng vậy, trong tâm thế sẵn sàng cho đi, và cái thói quen của những dòng suy nghĩ giải quyết vấn đề chớp nhoáng chạy xẹt qua não là mình có thể làm gì, nguồn lực tới đâu, năng lực chỗ nào?

Sau vài phút đầu tiên đó, mình bắt đầu đẩy ra bức tranh toàn cảnh để quan sát, dựa trên những chất liệu em mình cung cấp. Và mình bắt đầu thấy không ổn. Hàng loạt câu hỏi nhảy ra và được mình đặt xuống bàn luận với các em một cách chân thành và thẳng thắn.
– Cho dù là hoạt động cá nhân đơn thuần hay được lập thành dự án cũng cần xem xét các yếu tố về sự quản lý bài bản (đặc biệt là quản lý tài chính), điều phối hoạt động, check nguồn tin, kiểm soát tài chính và đo lường hiệu quả tác động.
– Câu chuyện 1500 học sinh mồ côi đang thu hút khá nhiều sự quan tâm của nhà nước và dư luận. Các dự án hành động đã được các tổ chức chính quyền, Đoàn-Đội, các tập đoàn, nhóm chuyên gia, nhà hảo tâm… quan tâm và đưa ra khá nhiều phương án. Do vậy, nếu thật sự muốn làm, cần có cuộc khảo sát, đáng tin cậy về nhu cầu theo độ tuổi, về số lượng và hình thức chăm sóc mà các em đã được nhận, còn lại cái gì các em rất cần mà chưa có. Tuyệt đối không giẫm chân xà quần giữa các cá nhân, tổ chức, chính quyền, đoàn thể, công ty…
– Nếu đã quyết tâm làm thì cần làm kỹ để hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không tạo tâm lý “phản ứng phụ” cho người nhận, không để lại di chứng, tránh tạo nên những đau thương mới cho các em khi mình chưa chuẩn bị đủ.

Và sau khi thảo luận tới tận gốc vấn đề, chúng mình quyết định dừng lại. Trong nhóm có các em sau này làm NGO lâu năm trong nước, ngoài nước, thậm chí đã từng điều phối các dự án NGO quốc tế hàng tỷ USD. Chúng mình đã có những thảo luận thật sự có giá trị.

Điều mà mình và nhóm được nuôi dưỡng nhất là trong chính quá trình thảo luận này, chúng mình nhận ra và cùng gọi tên, cùng đồng thuận với nhau được rằng, bản thân mỗi người, ngoài cái “bi mẫn” còn cần cái “trí sáng”, như cách mà D đã từng bước, chậm rãi đi qua nhiều cái “đau” trong việc cho đi nhiều cái “thương”. Giữa những vòng quay chộn rộn, nháo nhào, cần một “cái đầu lạnh” đủ để nhìn sâu, trông rộng, hiểu thấu, thương nhiều. Tụi mình quyết định dừng lại và quan sát trước khi đưa ra bất cứ hành động gì, chương trình gì, bởi vì những tác động cứu trợ về mặt tinh thần sẽ rất rất khác với những cứu trợ về mặt vật chất. Trong khi các em mồ côi lại đang là đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt.

Mình nhớ hơn 10 năm trước, khi cùng với nhóm làm các chương trình kỹ năng sống trong trường học, có em học sinh buồn chuyện gia đình về nhắn tin cho nhân viên của mình cả đêm. Bữa sau biết chuyện, mình nhắc ngay nhân viên cần giữ giới hạn, chuyển ngay sang giới thiệu cho học sinh các địa chỉ chuyên gia tham vấn học đường hoặc tham vấn tâm lý. Bởi nếu vì cái thương mà bị cuốn chìm vào câu chuyện, sẽ trở thành điểm tựa lớn lao cho một sự phụ thuộc mà chắc chắn rằng em nhân viên mình không cách gì gánh nổi. Khi cái thương chưa đủ sáng, nó sẽ là sự đắm chìm trong cảm giác ảo tưởng “ta là chỗ dựa của cả thế giới”, cho đến khi thấy rõ rằng, sự bấu víu về mặt tinh thần khiến cho tâm lý cả 2 bên đều mệt mỏi, đuối sức và kiệt quệ với nguồn năng lượng bị tấn công không có giới hạn. Bài học về việc tự nuôi dưỡng mình trước khi nuôi dưỡng người. Làm bản thân mình đầy trước khi tìm cách cho đi. Về góc nhìn rộng và hẹp trong một cách giải quyết vấn đề liên quan đến yêu thương và chia sẻ.

Bài học về sự tỉnh thức

Góc nhìn của nhóm được tiếp tục nuôi dưỡng khi nhìn nhận được cái TÔI to bự trong cái THƯƠNG rộng lớn. Đó cũng là góc nhìn trăn trở trong mình sau những ngày xắn quần trèo lên mấy con dốc 45 độ ở DakTpang năm 2002.
? Mình nghĩ về Mùa Hè Xanh.
? Mình nghĩ về các chương trình thiện nguyện mình đã tham gia.
? Mình nghĩ về đồng đội.
? Mình nghĩ về chính mình.
? Mình nghĩ về những cảm xúc phản kháng bên trong mình khi đứng trước những cơ hội / khoảnh khắc vinh danh.
? Mình nghĩ đến người cho, mình nghĩ đến người nhận.
? Mình nghĩ đến cái gì ở lại? Cái gì sẽ phai nhạt ngay lập tức sau khi đội tình nguyện rút đi? Ai sẽ duy trì? Điều gì sẽ tồn tại đến phút cuối cùng? Cho thế nào là đúng, và nhận như thế nào là phải?
? Mình nghĩ về sự phát triển bền vững.
? Chân giá trị thuộc về ai?

? Cuối cùng trong cái tận cùng, mình làm vì mình hay vì người?

? Mình giải quyết TRÚNG vấn đề, TRÚNG người cần hay mình đang tìm cách thỏa mãn cái cảm giác khó chịu bên trong mình khi nhìn thấy cảnh người khác khó khăn?
? Mình giúp đơn thuần là để giúp? Hay giúp là để cái TÔI được vỗ về, để mình cảm thấy thoải mái hơn?
? Cái sự ham muốn vô cùng vi tế bên trong nó sẽ dẫn mình đi đến đâu?

??? Tất cả những điều đó không phải lúc nào cũng lồ lộ trắng đen để mà thản nhiên lựa chọn.

??? Còn mình, biết là có nó rồi, có dám can đảm moi nó lên mà nhìn sâu hơn nữa không?

??? Nhìn xong… rồi làm gì với nó? ?

P/s: viết lại tất cả những điều này, để ghi nhớ những giá trị cùng đồng hành, cùng lớn lên của từng thành viên trong nhóm.

________//_______

Nga Nguyễn, BL 27.09.2021