Giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng được ưu tiên hàng đầu trong thế giới nghề nghiệp hiện đại. Thế nhưng, với sự bất ổn và mơ hồ của thế giới hiện nay, các vấn đề ngày càng phức tạp. Việc liên tục sử dụng chất xám để đưa ra giải pháp có thể khiến bạn kiệt sức.
Mô hình CIA được ứng dụng vào những bước đầu tiên trong quá trình giải quyết vấn đề. Công cụ này giúp bạn thay đổi góc nhìn và “an yên” hơn khi phải đối diện với mọi vấn đề.
Vậy ứng dụng mô hình CIA như thế nào để mang lại kết quả tối ưu nhất? Mời bạn tìm hiểu cùng Mindful Career Vietnam trong bài viết dưới đây.
Mô hình CIA là gì?
Mô hình CIA có tên gọi đầy đủ (theo tiếng Anh) là Control – Influence – Accept Model. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách “The Crititcally Refeflective Pratitioner” của tác giả Neil Thompson và Sue Thompson (2008). Trong đó, mô hình CIA là công cụ hướng dẫn cách vượt qua những tình huống căng thẳng hoặc khủng hoảng.
Sau này, mô hình CIA được áp dụng rộng rãi khi đào tạo về năng lực lãnh đạo, quản lý thời gian, quản lý căng thẳng nơi làm việc.
Tương ứng với 3 chữ C – I – A, mô hình CIA chỉ ra 3 tâm thế – hành động cần thực hiện khi bạn bắt đầu giải quyết vấn đề.
- Kiểm soát vấn đề (control): nhận diện các yếu tố của vấn đề mà bạn có kiểm soát hoặc thay đổi.
- Tạo ảnh hưởng lên vấn đề (influence): nhận diện các yếu tố mà bạn không thể kiểm soát nhưng có thể tạo ảnh hưởng lên chúng.
- Chấp nhận vấn đề (accept): nhận diện các yếu tố bạn hoàn toàn không có khả năng kiểm soát hay tạo ảnh hưởng đến chúng.
Tầm quan trọng của mô hình CIA trong giải quyết vấn đề
Khi ứng dụng 3 tâm thế trên theo mô hình CIA khi giải quyết vấn đề, bạn sẽ đạt được những lợi ích sau đây:
- Tối ưu giải pháp cho vấn đề: Khi biết đâu là những điều bạn có thể kiểm soát và tạo ảnh hưởng, bạn có thể thiết kế phương án hiệu quả hơn.
- Phân bổ sự tập trung và nguồn lực một cách hiệu quả: Thay vì giải quyết tràn lan, giờ đây, bạn đặt trọng điểm đưa ra giải pháp cho vấn đề bạn có khả năng kiểm soát trước, sau đó đến các vấn đề có khả năng tao ảnh hưởng.
- Bảo vệ tinh thần và năng lượng của bản thân – đội nhóm: Nhìn thấy trước những điều bạn không thể thay đổi được mang đến cho bạn một tâm thế sẵn sàng đón nhận và thích nghi. Đồng thời, với một tinh thần ổn định, bạn và đội nhóm có cơ hội kiến tạo những giải pháp đột phá hơn cho vấn đề hiện tại.
3 bước giải quyết vấn đề bằng mô hình CIA
Nắm rõ vấn đề cần giải quyết
Điều quan trọng nhất khi giải quyết vấn đề là biết được chính xác vấn đề là gì. Việc nắm rõ vấn đề giúp bạn giải quyết một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức.
Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn cần phối hợp rất nhiều kỹ năng như góc nhìn đa chiều, khả năng phân tích và tổng hợp, tư duy hệ thống…
Mindful Career Vietnam xin gợi ý đến bạn một cách xác định vấn đề đơn giản nhất. Đó là đặt câu hỏi. Bạn có thể tự hỏi mình hoặc cùng đội nhóm brainstorm theo những câu hỏi sau đây:
- Điều gì đang xảy ra, đã xảy ra?
- Chúng gây nên khó khăn như thế nào?
- Điều gì dẫn đến tình trạng hiện tại?
Phân loại các yếu tố của vấn đề dựa trên mô hình CIA
Sau khi xác định được những vấn đề gốc rễ, bạn sẽ tiến hành phân loại chúng vào từng mục theo mô hình CIA: các yếu tố bạn có thể kiểm soát, có khả năng tạo ảnh hưởng và bắt buộc phải chấp nhận hoặc thích nghi.
Dưới đây, Mindful Career Vietnam xin gợi ý cho bạn một số những đặc điểm của từng loại vấn đề để bạn có thể nhận diện chúng một cách dễ dàng.
Đâu là các vấn đề bạn có thể kiểm soát?
Chúng thường là những vấn đề bạn có thể giải quyết dựa trên các nguồn lực hiện tại hoặc nhờ vào sự trợ giúp của người khác. Lưu ý, hãy thành thật với chính bản thân mình và đảm bảo rằng bạn thật sự có quyền kiểm soát những yếu tố này.
Một số yếu tố mà tất cả chúng ta đều có khả năng kiểm soát được đó là cảm xúc và mindset.
Ví dụ như trong tình huống khủng hoảng (dịch bệnh, suy thoái kinh tế), đôi lúc bạn sẽ thấy dường như mình chẳng thể kiểm soát được gì cả. Thế nhưng, bạn vẫn có thể học cách điều tiết cảm xúc và tâm trạng của bản thân, hoặc những hành động nhỏ nhằm bảo vệ chính mình…
Đâu là vấn đề bạn có khả năng tạo ảnh hưởng để thay đổi?
Bạn hãy tự hỏi bản thân có kiến thức, kỹ năng nào để đóng góp vào quá trình giải quyết vấn đề hay không?
Các yếu tố mà bạn chỉ có khả năng tạo ảnh hưởng thường liên quan đến các yếu tố bên ngoài, thuộc về người khác. Một ví dụ dễ thấy nhất là những thành viên ở trong đội nhóm của bạn. Đó có thể là cách làm việc hay năng lực của họ….
Một lưu ý khi “tạo ảnh hưởng” đó là hãy đảm bảo bạn không ép buộc kết quả phải diễn ra đúng như ý muốn. Nếu không, có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái nỗ lực thao túng người khác làm theo ý mình. Kết quả là bạn sẽ tốn quá nhiều tâm sức vào giải quyết điều bạn không hoàn toàn có khả năng.
Vấn đề bạn chỉ có thể chấp nhận và thích nghi là gì?
Ngoại trừ những vấn đề bạn có khả năng kiểm soát hoặc tạo ảnh hưởng, tất cả đều là những điều bạn phải chấp nhận và thích nghi.
Những vấn đề này giống như trọng lực của trái đất. Điều duy nhất bạn có thể làm là chấp nhận sự tồn tại của nó và sáng tạo những phương án hiệu quả (nếu được).
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, bạn cũng hoàn toàn không có cách nào giải quyết vấn đề, hoặc không nhất thiết phải giải quyết. Ví dụ như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh khiến việc kinh doanh trì trệ, giá cả vật tư leo thang, nền kinh tế lũng đoạn…
Học cách chấp nhận không đồng nghĩa với việc buông xuôi, từ bỏ hay yếu đuối. Học cách chấp nhận thực chất là biểu hiện của sự trưởng thành về mặt tư duy. Bạn hiểu rằng đây là giới hạn và tập trung thời gian, nỗ lực vào những điều mang đến hiệu quả tốt hơn.
Thực chất, khi giải quyết vấn đề, các yếu tố này đóng vai trò xúc tác cho bạn kiến tạo những ý tưởng/sáng kiến độc đáo và mới lạ được ra đời.
Lên kế hoạch hành động
Khi giải quyết vấn đề theo mô hình CIA, bạn sẽ cần lên kế hoạch hành động cụ thể cho từng nhóm vấn đề.
Đối với những vấn đề bạn có thể kiểm soát, hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng, có các bước triển khai và quy trình chi tiết để giải quyết chúng. Đồng thời, liên tục đánh giá lại các vấn đề xem có thuộc tầm kiểm soát hay không.
Đối với những vấn đề chỉ có thể tạo ảnh hưởng, bạn hãy học cách nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khả năng thuyết phục, thương lượng… Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn không dùng mọi cách để thao túng người khác nhằm giải quyết vấn đề của mình.
Cuối cùng, khi đối diện với những tình huống bắt buộc phải chấp nhận, hãy chuẩn bị một tâm thế đón nhận và một cái nhìn cởi mở, sáng tạo. Đây có thể là cơ hội để bạn học hỏi, tìm kiếm và thử nghiệm những điều mới lạ. Ứng dụng tư duy thiết kế (design thinking) cũng là một cách bạn nên thử nghiệm.
—
Nhìn chung, mô hình CIA tuy đơn giản nhưng cực kì hữu hiệu để giải quyết vấn đề, kể cả trong công việc hay cuộc sống.
Điểm hay của mô hình CIA đó là giúp bạn tập trung tối đa vào những điều mang lại lợi ích và loại bỏ cảm giác lo âu, bực dọc khi không thể kiểm soát được những yếu tố nằm ngoài khả năng.
Ứng dụng thuần thục mô hình này, bạn sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của mình mà vẫn giữ được một tinh thần thoải mái, bình an.
0 Comments