5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự bất đồng quan điểm nghề nghiệp giữa cha mẹ và con cái.

Bất đồng quan điểm nghề nghiệp giữa cha mẹ và con cái là việc khá phổ biến ở nhiều gia đình, thậm chí kéo dài qua các thế hệ. Cha mẹ khi xưa bất đồng với ông bà và bây giờ tiếp tục bất đồng với con cái. Lắm khi, sự bất đồng quan điểm biến thành những cuộc tranh cãi, áp lực, mệt mỏi… Tệ hơn, áp lực “chọn nghề” cũng rơi vào giai đoạn các con áp lực nhất do phải thi chuyển cấp hoặc lớp 9 lên 10, hoặc lớp 12 vào đại học… Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn nghe đâu đó những câu chuyện đau lòng của các em học sinh quyết định từ bỏ cuộc sống vì không chịu nổi sức ép từ nhiều phía đến cùng lúc… MCV tin rằng, thứ khiến không chỉ các em mà cả cha mẹ mệt mỏi chính là cảm giác không được thấu hiểu, không được thuộc về, không được ủng hộ.

Để giải quyết, là bậc làm cha mẹ, chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân sâu gốc của sự bất đồng. Nhờ vậy, có thể tập trung tìm ra phương pháp hiệu quả nhất.

Nghiên cứu của Pei-Wen Winnie Ma và cộng sự (2014) chỉ ra 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự bất đồng quan điểm nghề nghiệp giữa cha mẹ và con cái:

1. Tính thực tế:
Tính ổn định của công việc, cơ hội việc làm, tiềm năng tài chính… là những chủ đề dễ gây bất đồng quan điểm. Cha mẹ mong muốn con cái tìm được công việc làm ổn định, tài chính tốt. Trải qua nhiều thăng trầm, chẳng ai muốn con mình phải chịu khổ như mình đã từng cả. Tuy nhiên, con cái ở lứa tuổi trẻ luôn khát khao trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ, theo đuổi những chân trời khác lạ dẫu có thử thách.

2. Cha mẹ không có nhiều kiến thức về ngành nghề:
Thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt. Có những ngành nghề mới xuất hiện và có những ngành nghề dần biến mất do sự can thiệp của robot và trí tuệ nhân tạo. Thiếu kiến thức về sự đa dạng ngành nghề khiến cha mẹ dễ ép buộc con vào những lựa chọn không phù hợp.

3. Truyền thống gia đình và hệ giá trị:
Dễ hình dung nhất chắc là câu chuyện của gia đình làm bác sĩ/kinh doanh bỗng dưng có con muốn theo đuổi ngành nghệ thuật (làm ca sĩ, làm sản xuất âm nhạc…).

4. Mong ước của cha mẹ:
Đôi khi, cha mẹ mong muốn con cái theo đuổi một ngành nghề nhất định như một cách hoàn thành ước mơ chưa bao giờ thực hiện được của mình.

5. Kinh nghiệm của cha mẹ:
Một số kinh nghiệm của cha mẹ về nghề nghiệp (ví dụ như biết một ai đó không thành công trong lĩnh vực, biết được các mặt tối của nghề…) khiến cha mẹ phản đối con mình theo đuổi nghề nghiệp ấy.

Vậy, phải làm thế nào để giải quyết tình trạng căng thẳng không đáng có này và cùng con định hướng nghề nghiệp phù hợp?

_____//______

Đọc bài viết tiếp theo: 3 cách giải quyết bất đồng quan điểm nghề nghiệp giữa cha mẹ và con cái.